Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lí chim bị tắc trứng
By longnkp / Sep 24 2017 / Sinh Sản
Vào một buổi sáng đẹp trời, bạn thức dậy và phát hiện ra chú chim cưng của bạn đang nằm bệt dưới đáy lồng, toàn thân run rẩy, hai cánh rũ rượi, cố lết những bước chân yếu ớt với cái bụng căng tròn phía sau. Bạn há hốc mồm vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra, mới hôm qua thôi chúng còn đang xoáy tổ, ríu rít tha rác đi vào đi ra. Cũng chính hôm qua bạn vừa mới khoe với cả thế giới rằng cặp chim đầu tiên của mình sắp đẻ, rồi chả mấy chốc mà bạn sẽ có cả đàn, cả đống, bạn có cảm giác như bạn sẽ có thể cân cả thế giới ngay từ giấy phút đấy. Nhưng, rất xin lỗi đã làm bạn tụt hứng nhưng tôi vẫn phải nói từ nhưng, hãy cảnh giác với gã thần chết đang rình rập chú chim cưng của bạn, sẽ có nhiều gã với nhiều bộ mặt khác nhau sẽ tìm đến, nhưng gã này thì vô duyên bậc nhất, vì cái thời điểm hắn chọn để gõ cửa, ngay khi bạn đang ngập tràn trong hạnh phúc vì sắp có tin vui. Cay đắng thay, hắn lại chính là quả trứng mà bạn đang mong đợi, nhưng hắn không mang đến cho bạn thêm 1 chú chim xinh xắn, hắn đến để mang chú chim của bạn đi, hắn là “Quả trứng tắc”.
Tìm hiểu nguyên nhân cũng như dấu hiệu nhận biết chim bị tắc trứng là yêu cầu cơ bản mà người nuôi dưỡng chim sinh sản cần nắm rõ để sẵn sàng đối phó với vị thần chết vô duyên số 1 này.
I. Các nguyên nhân chính
Thiếu hụt canxi
Trong các nguyên nhân gây tắc trứng, thiếu hụt canxi là nguyên nhân phổ biến nhất. Canxi không chỉ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành vỏ trứng và duy trì xương chắc khỏe cho chim, nó còn là nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ bắp trên cơ thể chim, ở đây là các cơ trong ống dấn trứng và vùng hậu môn giúp chim đẩy trứng ra ngoài trong quá trình sinh sản. Vì vậy cần bổ sung các nguồn thức ăn giàu canxi như vỏ trứng, vỏ sò, nang mực vào khẩu phần ăn hàng ngày của chim, đặc biệt vào thời gian trước mỗi kì sinh sản. Tuy nhiên chỉ ăn không thôi thì chưa đủ, chim cần hấp thụ được canxi sau khi ăn vào. Vitamin D3 đóng vai trò chính trong việc hấp thụ canxi trong cơ thể, ngoài tự nhiên chim có thể tự tổng hợp Vitamin D3 dưới tác dụng bức xạ của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Đối với chim nuôi nhốt trong nhà, không đủ lượng ánh sáng mặt trời hàng ngày, nếu chim có những biểu hiện của việc thiếu hụt canxi mặc dù vẫn ăn vỏ trứng, nang mực hàng ngày thì cần xem xét để bổ sung Vitamin D3 bằng thuốc uống, hoặc sử dụng các loại đèn UV nhân tạo để chiếu sáng thay thế ánh sáng mặt trời.
Nguồn thức ăn giàu canxi: Vỏ trứng và nang mực
Ngoài ra, một số loại rau xanh mà người nuôi cung cấp hàng ngày cho chim cũng có thể là nguyên nhân cản trở quá trình hấp thụ canxi của chim. Ví dụ như Axit Oxalic trong rau chân vịt, các loại rau thuộc họ xà lách. Vì vậy, cần kiểm soát chế độ ăn uống một cách khoa học và điều độ để chim có thể hấp thụ đầy đủ dưỡng chất cần thiết tùy vào từng giai đoạn cụ thể.
Chế độ ăn không đủ dinh dưỡng
Như đã đề cập ở bài viết về dinh dưỡng cho finch, dinh dưỡng là mầm mống cho mọi tai ương mà người nuôi finch phải đối mặt. Ở bài viết này, một lần nữa, dinh dưỡng lại là một trong những nguyên nhân nhân chính gây kẹt trứng ở chim sinh sản.
Có 2 chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tỉ lệ cồ và ngăn ngừa tắc trứng trong quá trình sinh sản của chim, đó là Vitamin A và Vitamin F.
Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng co dãn và độ ẩm trong ống dẫn trứng. Khi cơ thể bị thiếu hụt Vitamin A, các thế bào chất nhầy sẽ khô và cứng lại làm trứng không thế di chuyển trong ống dẫn trứng trước khi được đẩy ra ngoài. Các màng nhầy bị khô trong cơ quản sinh dục của chim cũng là nguyên nhân khiến tinh trùng không thể đến để thụ tinh cho trứng sau khi giao phối nên trứng chim mái đẻ ra sẽ không có cồ mặc dù chim trống vẫn rất “căng” và “sung”. Trứng luộc, sâu và côn trùng là các nguồn thức ăn giàu Vitamin A.
Vitamin F là nhóm gồm 2 axit béo alpha-linolenic và linoleic, chúng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chức năng sinh sản và hoạt động sinh dục. Khi chim bắt bắt đầu chu kì sinh sản, sự thay đổi hooc môn sẽ xảy ra, làm cho các cơ vùng xương chậu của chim giãn nở, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy trứng đi ra. Vitamin F có thể được tìm thấy ở các loại hạt nhiều dầu như hạt hướng dương, hạt vừng (mè), lòng đỏ trứng gà và cả ở các loại rau như cải xanh, mồng tơi.
Cơ địa của chim và các điệu kiện ngoại cảnh
Ngoài 2 nguyên nhân chính được đề cập ở trên, tắc trứng có thể xảy ra do cơ địa của chim, cấu tạo hậu môn và các khuyết tật ở cơ quan sinh sản khiến con chim gặp khó khăn trong quá trình đẻ trứng. Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, sốc nhiệt hoặc quá lạnh cũng sẽ khiến chim mái dễ bị tắc trứng.
II. Dấu hiệu nhận biết
Chim mái bị tắc trứng sẽ trở nên chậm chạp, ngừng hoặc ăn uống rất ít. Phần bụng của chim sẽ hơi căng ra, có thể nhận thấy bằng bắt thường sự xuất hiện của quả trứng ở phần hậu môn của chim. Nếu kéo dài trong nhiều giờ, chim mái có thể sẽ nằm một chỗ dưới đáy lồng, xõa cánh và gặp khó khăn khi di chuyển, cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp chim vượt qua được tình huống này.
Chim 7 màu mái bị tắc trứng (Ảnh từ facebook: Debi Stuhr)
III. Cách xử lý
Khi phát hiện chim bị tắc trứng, cần can thiệp kịp thời để hỗ trợ, tuy nhiên cần lưu ý phải thao tác nhẹ nhàng tránh làm vỡ trứng trong bụng chim dẫn đến chết. Trước tiên chim cần được sưởi ấm trong lồng bệnh viện chuyên dụng hoặc thắp thêm bóng đèn sưởi trong lồng chim, đặt một khay nước trong lồng để giữ ẩm cho chim. Nhỏ một giot canxi dạng nước trực tiếp vào miệng chim, có thể tìm mua ở các hiệu thuốc tây các loại canxi nước dành cho trẻ con. Việc bổ sung canxi ngay lập tức sẽ có tác dụng trong việc hỗ trợ hoạt động của các cơ hậu môn và ống dẫn trứng giúp đẩy trứng ra ngoài dễ dàng hơn. Sau khi nhỏ canxi, để chim yên tĩnh sau khoảng 1 giờ, nếu không có tiến triển thì nhẹ nhàng dùng ngón tay massage vùng bụng bằng dầu thực vật để hỗ trợ chim đẩy trứng ra ngoài. Tiếp tục để chim nghỉ ngơi sau 1 giờ sau khi massage. Nếu trứng vẫn bị kẹt thì cần dùng tay để từ từ nặn trứng ra ngoài, việc này tương đối nguy hiểm và có nhiều rủi ro nên cần chuẩn bị tâm lý vững vàng và thao tác hết sức cần thận, thần chết sẽ gõ cửa và mang chú chim xấu số đi nếu bạn sơ ý làm vỡ trứng trong bụng nó.
Chim 7 màu mái vượt qua được sự cố tắc trứng 1 tiếng sau khi được massage bụng và sưởi ấm bằng đèn (Ảnh từ facebook: John Azzopardi)
Tùy thuộc vào kĩ năng và tình huống cụ thể mà việc xử lí tình huống chim bị kẹt trứng của mỗi người nuôi chim có thể khác nhau. Nên kịp thời tham khảo ý kiến hoặc nhờ những người có kinh nghiệm xử lí để tránh những tổn thất không đáng có. Quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy bổ sung đầy đủ Canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày, nên quan tâm đúng mức về vấn đề dinh dưỡng cho chim nuôi, một chế độ dinh dưỡng khoa học, không thừa, không thiếu sẽ là chìa khóa để bạn hóa giải mọi vấn đề liên quan đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng những chú chim cảnh của mình.
Bài viết liên quan
Cập nhật tin mới
Bài viết gần đây
- Chim Vĩ Hỏa - Diamond Firetail Finch
- Các loại thuốc thông dụng cho finch
- Cách phân biệt chim sắc nhật trống mái
- Màu sắc ở chim 7 màu - Gouldian finch
- Chim 7 màu
- Nguyên nhân và cách xử lý chim bố mẹ ném con ra khỏi tổ
- Cách phân biệt trống mái ở chim 7 màu
- Công dụng và cách sử dụng dấm táo cho chim cảnh
- Bệnh cầu trùng trên chim cảnh
- Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lí chim bị tắc trứng