Chim 7 màu
By longnkp / Oct 26 2017 / Tổng Quan
Chim 7 màu (Gouldian Finch) là một loài chim đặc hữu ở Australia, thuộc họ Estrildidae. Chim 7 màu được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1845 bởi nhà tự nhiên học người anh có tên là John Gould. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, từ thế kỷ 20 đã chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng của số lượng chim 7 màu ngoài tự nhiên. Các nhà khoa học ước tính chỉ có khoảng 2500 cá thể chim trưởng thành còn tồn tại trong môi trường hoang dã. Vì vậy năm 1992, nó được phân loại là loài nguy cấp theo tiêu chí C2ai của IUCN.
Trong tự nhiên, xuất hiện 3 loại màu đầu ở chim 7 màu là đầu đen, đầu đỏ và đầu cam (vàng). Trong đó đầu đen là màu phổ biến nhất với tỉ lệ chiếm khoảng 70%, đầu đỏ chiếm 30% và hiếm nhất là đầu cam với tỉ lệ khoảng 0.001% (Cứ 1000 con chim 7 màu ngoài tự nhiên mới có 1 con có đầu màu cam).
3 loại màu đầu ở chim 7 màu (Ảnh: oiseoux.birds)
Phân bố và môi trường sống
Chim 7 màu được tìm thấy ở miền bắc nước Úc, từ bán đảo Cape York qua phía tây bắc Queensland và vùng Northern Territory đến vùng Kimberley thuộc Tây Úc. Môi trường sống của chúng là rừng nhiệt đới cận nhiệt đới. Chúng thường hoạt động trong một khu vực tương đối nhỏ (khoảng 40 cây số vuông) và chỉ di chuyển khi nước hoặc thức ăn trở nên khan hiếm. Quần thể hoang dã rộng nhất được biết đến của loài này được tìm thấy ở đồi Bastion, bên cạnh thị trấn Wyndham ở phía đông Kimberley.
Khu vực phân bố của chim 7 màu tại Úc (Ảnh: Wikimedia)
Ngoài mùa sinh sản, chim 7 màu thường sống chung theo đàn với chim long cơ và masked finch. Mỗi đàn hỗn hợp thường có từ 1000 đến 2000 cá thể. Đây có thể là một sự phòng vệ trước các loài ăn thịt khác. Trong mùa sinh sản, chúng thường được tìm thấy trên các sườn dốc gồ ghề, nơi thảm thực vật thưa thớt. Vào mùa khô, chúng có xu hướng du mục hơn và sẽ di chuyển đến bất cứ nơi nào có nhiều thức ăn và nước.
Trước khi chính phủ Úc cấm xuất khẩu động vật vào năm 1959, chim 7 màu đã được xuất khẩu trên toàn thế giới. Chính điều này đã giúp các nhà lai tạo và thuần dưỡng chim sinh sản ở các quốc gia khác có cơ hội được sở hữu và duy trì giống của loài chim tuyệt đẹp chỉ có tại nước Úc này. Sinh sản nhân tạo có chọn lọc đã dẫn tới sự xuất hiện của một vài biến đổi ở màu lưng và 2 biến đổi ở màu ngực.
Đàn hỗn hợp gồm chim 7 màu, long cơ và masked finch (Ảnh: Ronda Crerar)
Thức ăn
Trong tự nhiên, chim 7 màu chủ yếu ăn các loại hạt cỏ. Trong môi trường nuôi nhốt, người nuôi có thể cho chim ăn hạt kê, hạt láng và các loại hạt hỗn hợp (hạt Mix) chuyên dụng cho finch. Tìm hiểu thêm về vấn đề dinh dưỡng cho finch tại danh mục: Dinh dưỡng
Sinh sản
Chim 7 màu thường làm tổ trong hang và các hốc cây. Mỗi lứa chim mái đẻ từ 4-8 trứng. Chim mái dành phần lớn thời gian cho việc ấp trứng, chim trống thường đứng canh phía ngoài tổ và chỉ vào ấp thay khi chim mái ra ngoài kiếm ăn. Trứng sẽ nở sau 14 ngày ấp, cả chim trống và chim mái cùng nuôi con. Chim 7 màu con sẽ bắt đầu ra khỏi tổ từ 19 đến 23 ngày tuổi, tuy nhiên chúng vẫn phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của chim bố mẹ cho đến 40 ngày tuổi, khi chúng có thể độc lập kiếm ăn.
Chim 7 màu mái và chim con mới nở
Phân biệt trống mái
Phân biệt giới tính ở chim 7 màu tương đối dễ dàng nhờ vào việc quan sát các đặc điểm bên ngoài. Chim trống thường có màu lông tươi sáng và đậm hơn chim mái, các mảng màu trên cơ thể tách biệt rõ nét. Chim trống thường có sợi lông đuôi dài ở chính giữa và thường xuyên đứng hót khi đến tuổi trưởng thành. Chim 7 màu mái có màu lông xỉn và nhạt hơn chim trống, khi đến thời kì sinh sản, mỏ của chim 7 màu mái sẽ dần chuyển sang màu đen. Chim 7 màu nuôi nhốt có tuổi thọ trung bình từ 5-6 năm. Tuy nhiên nếu có chế độ chăm sóc tốt, chim có thể sống thọ đến hơn 9 năm.
Chim 7 màu thuần dưỡng tại nhà
Bài viết liên quan
Cập nhật tin mới
Bài viết gần đây
- Chim Vĩ Hỏa - Diamond Firetail Finch
- Các loại thuốc thông dụng cho finch
- Cách phân biệt chim sắc nhật trống mái
- Màu sắc ở chim 7 màu - Gouldian finch
- Chim 7 màu
- Nguyên nhân và cách xử lý chim bố mẹ ném con ra khỏi tổ
- Cách phân biệt trống mái ở chim 7 màu
- Công dụng và cách sử dụng dấm táo cho chim cảnh
- Bệnh cầu trùng trên chim cảnh
- Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lí chim bị tắc trứng